Cháu Thanh Vi thân mến!
Trước hết chú thẳng thắn nói với cháu rằng, cháu không bị ma nhập để cháu không phải hoang mang lo sợ. Cháu đang bị rối loạn tâm thần. Chú được đã nghe nhiều người kể về tình trạng họ mắc phải giống như cháu. Thậm chí cả những người lớn tuổi cũng đã từng làm như cháu. Và phương pháp mà chú khuyên mọi người nên thực hiện là ngồi thiền. Từ một góc nhìn của người thiền trị liệu, bên trong cháu đang có 1 “cái tôi” khác - nhân vật đang điều khiển cháu làm cháu giận giữ và trầm uất.
Cháu không hư, bố cháu đã khóc khi nhận ra điều đó. Dù đã từng bị đánh, nhưng cháu may mắn vì bố đã nhận ra vấn đề. Chú biết rất nhiều gia đình đã không thể nhìn vấn đề như vậy. Có những bạn chỉ khi viết thư tuyệt mệnh do trầm cảm, hay phải nhốt khóa trong phòng thì cha mẹ mới nhận ra.
Bây giờ cháu hiểu vấn đề một cách sơ lược nhé. Cơ thể của người bình thường ai cũng có một màng kén năng lượng rất hoàn chỉnh, hình quả trứng bọc quanh cơ thể con người. Nó có chức năng như não bộ và hệ thần kinh vậy, nhưng tinh tế hơn. Nếu não bộ làm việc với cơ thể vật chất thì kén năng lượng này làm việc với cơ thể năng lượng mà mắt thường không nhìn thấy, nhưng không lạ với kiến thức thiền định.
Khi bị rối loạn tâm thần, ví dụ như trầm cảm nói chung hay rơi vào trạng thái phẫn nộ hoặc trầm uất như cháu tả, là do sự xuất hiện các bong bóng năng lượng trong màng kén của mình. Lúc này tâm trí có xu hướng thoát ly khỏi sự điều khiển của kén năng lượng và não như người bình thường. Người bị rối loạn tâm thần bị cô lập với thế giới bên ngoài, bị cuốn vào các trạng thái cuồng nộ, trầm uất ở nội tâm.
Bên cạnh đó, nhiều người lại có hiện tượng đảo cực. Cháu hình dung thế này: Kén có 2 cực, trên đầu là cực âm, dưới chân là cực dương, nay các cực này thỉnh thoảng đổi chỗ cho nhau khiến người bệnh lúc cuồng nộ, lúc trầm uất. Các nhà khoa học phân loại đây là “chứng tâm thần có chu kỳ” nằm trong nhóm bệnh suy nhược – trầm cảm.
Cha mẹ sinh con trời sinh tính, thiền định cũng như thực tế cho thấy rằng tính cách con người đã hình thành ngay từ trong bào thai và được củng cố trong những năm tiếp theo của cuộc sống. Ở cháu cái tôi thể hiện ở sự ham muốn thao túng người khác một cách mãnh liệt dù có bộc lộ ra ngoài hay không. Khi không thao túng nổi trường hợp xấu nhất sẽ bị người khác thao túng ngược lại, làm cho mình giận dữ ở dạng nội tâm hay bằng hành động. Trong trạng thái tĩnh sau các cơn bùng phát nếu cháu “nhớ” lại được toàn bộ sự việc và nhận thức được nguyên nhân các vấn đề của mình trong các trường hợp trên chính là “sự muốn của mình trong việc thao túng người khác thì vấn đề sẽ được giảm đi nhiều”.
Mỗi lần gặp tác động, ví dụ như cháu thời kỳ đầu cứ bị bố mắng, là nhảy vào bong bong đó và xử sự theo điều khiển của bong bóng. Những điều này tưởng như phi lý trong nhận thức nhưng nếu cháu thiền hiệu quả thì cháu sẽ nhìn thấy vấn đề ấy hoàn toàn trong nội tâm sâu thẳm.
Chú được dạy rằng trong mỗi con người dù bệnh tật đến đâu cũng vẫn còn một điểm duy nhất tồn tại hài hòa, từ điểm hài hòa đó có thể khôi phục lại sự hài hòa của toàn bộ thực thể. Khi làm việc với người bị bệnh bằng thiền, tâm của người thiền sẽ ngộ các vấn đề nói trên, tâm bệnh chỉ trị được bằng tâm. Kinh nghiệm giúp chú hiểu nếu cháu sử dụng tâm trong thiền giải quyết được vấn đề của mình thì các khả nằng tiềm ẩn kỳ diệu của tâm sẽ dần mở ra. Con người cháu sẽ dần thay đổi, hoàn thiện hơn.